Nhà xuất bản: | Lao động xã hội |
Ngày xuất bản: |
2013
|
Thể loại: | Lịch sử Việt Nam |
Tác giả: | Nguyễn Hữu Thái |
Số trang: | 190 trang |
Từ khóa: | Chống Mỹ |
Ngôn ngữ: | Tiếng Việt |
Kho sách: | Nhà riêng |
Vị trí: | E6 |
Ba mươi năm sau ngày Hồ Chủ tịch đọc tuyên ngôn trên quảng trường Ba Đình lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, toàn dân Việt Nam một lần nữa vỡ oà với niềm hạnh phúc độc lập tự do, thống nhất đất nước. Ngày 30-4-1975 ghi dấu sự kiện trọng đại bậc nhất trong lịch sử cách mạng đương đại Việt Nam. Nhiều thiên ký sự, câu chuyện đã được kể liên quan đến ngày này với niềm tự hào không thể che dấu.
Gần 40 năm sau ngày trọng đại ấy, Nguyễn Hữu Thái, người có mặt tại Dinh Độc Lập trong ngày 30/4 trăn trở và quyết định hoàn thành cuốn sách “Những điều chưa biết về ngày Sài Gòn sụp đổ”. Ông quan niệm đây không phải là một cuốn sách sử hay một bản tổng kết về chiến tranh mà “đơn giản chỉ muốn kể lại câu chuyện về 30-4-1975 như một người trong cuộc, người ghi chép các sự kiện lẫn một nhà nghiên cứu”.
Cuốn sách được chia làm 4 phần:
Phần 1 - Bối cảnh sụp đổ với: Những kế hoạch “4 Không” của Nguyễn Văn Thiệu, Khi đồng minh tháo chạy, Những kẻ “mộng du” cuối cùng, Sài Gòn những ngày hấp hối, Thay người khác mà vác cờ trắng, Lễ bàn giao trong tiếng bom.
Phần 2 - Ngày hôm trước: Các phái đoàn vào Trại Davis, Chiến dịch trực thăng vận “Frequent Wind”, Mũi tấn công vào Dinh Độc Lập, Không được điều động quân!
Phần 3 - Ngày lịch sử: Chiếc trực thăng cuối cùng rời sứ quán Mỹ, Chúng tôi chờ gặp Chính phủ Cách mạng, Cờ giải phóng trên nóc dinh Tổng thống, Chỉ có đầu hàng vô điều kiện!, Tiếng nói cách mạng trên đài phát thanh Sài Gòn, Nối vòng tay lớn, Vỡ òa những niềm vui và nỗi đau, Tâm cảnh hòa bình, Chấm dứt một cuộc chiến sai lầm.
Phần 4 - Ngày hôm sau: Như một cuộc đoàn tụ gia đình, Hòa bình thống nhất là tất cả!
Với góc nhìn của một người chứng, Nguyễn Hữu Thái đã cho thấy quang cảnh của toàn bộ Sài Gòn trong ngày cuối cùng của chế độ Cộng hòa – ngày 30-4 lịch sử.
Lịch sử đã sang trang, gần 40 năm đã qua đi, cả hai bên chiến tuyến đều có thời gian để nhìn lại. Như đánh giá của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời Phóng viên Tuần báo Quốc tế vào năm 2005 về vai trò của người cuối cùng của chế độ cộng hòa: “Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28-4-1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông "tử thủ", chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh mạng và tài sản của người dân mình nữa. Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30-4 khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này….”
Mong muốn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng chính là mong muốn của hầu hết người dân Việt Nam: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”.