Nhà xuất bản: | Văn học |
Ngày xuất bản: |
2009
|
Tác giả: | Kanehara Hitomi |
Số trang: | 140 trang |
Từ khóa: | Tiểu thuyết |
Ngôn ngữ: | Tiếng Việt |
Kho sách: | Nhà riêng |
Vị trí: | I3 |
Cửa hiệu punk, người tình punk, sex, xăm trổ, và cả split-tounge, thế gian dường như thu lại còn bấy nhiêu thứ ấy đối với Lui, cô gái mới lớn giữa Tokyo hiện đại một đại diện của thế hệ trẻ Nhật hậu bong bóng: quá non nớt nhưng cũng đã quá già vì sống. Lui sống cùng Ama, một cậu trai quậy phá nhưng chung tình, thỉnh thoảng cô tới Desire, một hiệu punk, để xăm rồng và kỳ lân lên vai, kèm chuyến phiêu lưu thể xác với một kẻ cũng mơ hồ như toàn bộ thế giới vây quanh, tên là Shiba-san. Tình yêu chưa chín mùi, tình dục đầy khoái lạc và tăm tối. Chỉ có chẻ lưỡi với xăm mình là khúc ca mới của bản ngã đang lần mò tìm lối thoát. Giải mã cuộc sống đầy ắp tự do cá nhân, dị biệt, vừa buông thả vừa thơ ngây của những người trẻ tuổi đó bằng một câu chuyện đơn giản nhưng gợi cảm, Rắn và khuyên lưỡi chính là tác phẩm độc đáo đã mang lại cho Kanehara Hitomi giảia Adutagawa 2004. Năm đó nhà văn mới hai mươi tuổi.
Sẽ không ít độc giả phản ứng tức thì khi bước vào thế giới dị biệt của Rắn và khuyên lưỡi. Họ là những con người quá lập dị mà chẳng cần viện tới sự che chắn hay bất cứ thứ mặt nạ nào để được chấp nhận. Lui, cô gái bụi đeo khuyên tai cỡ 0G (to nhất), bắn khuyên lưỡi và xăm hình kỳ lân sau lưng. Ama, người tình Punk với 3 cái khuyên cỡ 4G trên cung mày trái, 3 cái cùng kiểu ở môi dưới, mái tóc đỏ hoe húi trụi 2 bên, xăm hình rồng và có lưỡi chẻ nhỏ, chẻ nhánh. Shiba-san là chủ hiệm xăm có đống khuyên xâu khắp mắt, mí mắt, môi, mũi, má cùng đám sẹo lồi phủ kín hai bàn tay do dí thuốc lá vào; lưng vẽ đủ loại rồng, lợn, hươu, bướm, mẫu đơn, anh đào, tùng bách...
Những mảnh đời quá đỗi bấp bênh khiến họ xiêu vẹo, cứ lần lượt xô ngã vào nhau theo bản năng. Đầu tiên là mối tình non nớt giữa Lui và Ama, kéo theo đó là sự níu kéo dục vọng giữa Shiba-san và Lui. Song ngay cả khi có tới 2 người tình với những cảm xúc yêu đương khác nhau, Lui vẫn không thể cân bằng bản thân. Cô tìm tới split tongue (cải tạo cơ thể), hết ao ước được biến lưỡi mình thành lưỡi rắn lại lần mò tới hình xăm, hết thích thú với ý tưởng hình xăm con kỳ lân thân rồng không mắt rồi lại có mắt… Cả hai người tình đều không hiểu. Cả Lui cũng chả thiết nghĩ ngợi sâu xa về bất cứ chuyện gì. Cô giam cầm mình trong rượu để lãng quên, như thứ ý thức tự co mình để tồn tại.
Trong Rắn và khuyên lưỡi, Lui đóng vai trò người kể chuyện. Giọng kể không bộc lộ sắc thái tình cảm. Những câu văn như bị chặt ngắn không có chỗ cho cảm xúc đọng lại, trừ lúc cô gào thét, khóc váng lên trong đám tang của Ama. Những câu thoại giữa các nhân vật với nhau cũng vậy, cụt lủn và trung tính. Hầu như tình cảm là thứ quá xa xỉ, ngoại trừ với Ama với một vài câu nói dịu dàng và thói quen ngậm đầu ti người tình khi ngủ. Ama nhỏ tuổi nhất và cũng là một chiếc chìa khóa nhỏ mở vào cuộc đời khép chặt của những con người này: họ còn quá trẻ, quá non nớt so với những từng trải qua.
Đưa ra những nhân vật bất cần đời đang hành hạ bản thân theo bản năng mất kiểm soát, Rắn và khuyên lưỡi là câu chuyện về nỗi đau và sự bi quan. Bị tước cảm xúc, mỗi người trở nên lạnh lùng và vô cảm đến mức khó tin. Không chỉ bởi chuyện họ chịu đau đớn, mà còn là cách họ chấp nhận nhau một cách vô điều kiện. Giữa Lui và Ama khó có thể gọi là tình yêu khi sự gắn kết được tạo bởi thái độ buông thả của Lui. Nhưng cũng không phải do tình cảm nhạt nhẽo mà Lui lén lút đi tìm khoái cảm nơi Shiba-san. Vì bênh bạn gái, Ama đã phạm tội giết người ngay trên đường phố. Tới lượt Ama chết và Lui phát hiện chính Shiba-san là thủ phạm, cô vẫn lẳng lặng chấp nhận thực tế khốn nạn đó. Như trước đây tìm mọi cách để che chắn cho Ama khỏi bị bắt, giờ Lui lại xóa những dấu vết cho Shiba-san.
Không cần viện đến lòng thương hại, không cần tìm đến sự níu kéo, chở che của bất kỳ ai - các nhân vật của Rắn và khuyên lưỡi tự ném mình trong hố sâu tuyệt vọng. Nhưng phía sau của những cuộc đời không màu sắc, chẳng mảy may chút hy vọng ấy, dưới vẻ bên ngoài lố bịch và bất cần đời ấy, phản ánh một hình thái tinh thần hoang mang, bế tắc. Đằng sau những biểu hiện phá phách là sự trỗi dậy của bản năng nhằm khẳng định sự tồn tại, như điều mà nhân vật Lui từng thú nhận “Chỉ khi đau mới biết mình đang sống”.