Nhà xuất bản: | Văn học |
Ngày xuất bản: |
2008
|
Thể loại: | Văn học Trung Quốc |
Tác giả: | Mạc Ngôn |
Số trang: | 462 trang |
Từ khóa: | Tiểu thuyết, Tạp văn |
Ngôn ngữ: | Tiếng Việt |
Kho sách: | Nhà riêng |
Vị trí: | I5 |
Tập tạp văn “Người tỉnh nói chuyện mộng du”, Nhà xuất bản Văn học xuất bản tháng 2-2008 với hơn 462 trang viết có thể xem là những chuyện “nói thật” của Mạc Ngôn. Qua đó càng thể hiện rõ nét hơn một nhà văn hiện đại của Trung Quốc với cách viết thâm thúy, sắc sảo và lột tả đến tận cùng chữ “chân” trong cuộc sống để đem vào văn chương…
Những ai đã từng… mê Mạc Ngôn qua các tác phẩm: Báu vật của đời (giải nhất về tiểu thuyết của Hội Nhà văn Trung Quốc tháng 12-1995), Cao lương đỏ, Đàn Hương hình (giải Mao Thuẫn), Cây tỏi nổi giận… bây giờ có thể… thỏa thích đọc một loạt ấn phẩm của ông. Trong quý 1 của năm 2008 này, 7 tác phẩm của ông gồm: Tạp văn Người tỉnh nói chuyện mộng du, Con đường nước mắt, Ma chiến hữu, Trâu thiến, Bạch miên hoa, Châu chấu đỏ và Hoan lạc đã được xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn học, Công ty Phương Nam phát hành (nhà văn chuyển giao bản quyền cho Công ty Văn hóa Phương Nam). Ở đây, riêng tập tạp văn Người tỉnh nói chuyện mộng du có thể giải đáp được cho độc giả thắc mắc về một Mạc Ngôn “người thật, việc thật” như thế nào.
Theo Mạc Ngôn thì đây là tập tản văn- tùy bút đầu tiên của ông. Tất nhiên là tập hợp những bài viết từ những thập niên 80, 90 của ông chứ không phải mới sáng tác sau này. Mặc dù như ông tự nhận: đây là một “mâm lòng dê” hổ lốn. Rằng “lại nghe nói, viết tản văn tùy bút cần phải có một tâm hồn cao thượng và một lý tưởng tốt đẹp nhưng quả thật cả hai cái này tôi đều không có, cái mà tôi có chẳng qua là tính cách của một kẻ thảo dân và một kiểu cảm thụ cuộc sống có tính chất sinh lý”. Nhưng kỳ thực, có những bài, những đoạn độc đáo, đúng… chất Mạc Ngôn mà nhiều người từng ca ngợi.
Tập sách gồm 25 bài tạp văn trong đó có những bài được ông chia nhỏ để… luận vấn đề cho đến tận cùng như “Ba bài tạp cảm về chuyện ăn” hay “Mười hai bài tạp cảm” để nói về các phương diện của chữ “tiêu sái” (theo ông giải thích là những phương diện của tính cách cởi mở, khoáng đạt, hào hoa, không gò bó gì như nguyên nghĩa của từ này). Chân dung của Mạc Ngôn cũng hiện lên khá rõ trong các bài: Giấc mơ đại học của tôi, Tôi và âm nhạc, Những con cừu và… tôi, Tôi và rượu, Chuyện cũ quê hương, Mộng dài văn chương… Những bài viết ngắn trong tập sách này đều có xuất hiện bóng dáng, suy nghĩ, tính cách con người của Mạc Ngôn. Ông nói thật về những chuyện của quê hương, làng nước mình. Ông đem chuyện ở thôn Bình An, xã Đại Lan, huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông của ông ra mà thuật lại cho độc giả. Nói thật cả chuyện suýt chết lúc 2 tuổi bởi bị rơi vào hố phân (Dòng sông nóng bỏng). Nói thật cả về chuyện háu ăn, thèm ăn đến thành… bệnh của mình. Điều mà theo ông là hậu quả của một quá trình… đói khát. Trong “Ba bài tạp cảm về chuyện ăn”, cái đói của một thời khốn khó (những năm 1959, 1960) ở quê ông được lột tả thật sinh động. Đói đến mức người ta ăn cả rễ cây, vỏ cây, côn trùng… Ông viết: “Mùa xuân năm 1960 là thời kỳ ảm đạm nhất trong lịch sử tồn tại của đời tôi. Những cái gì có thể ăn được đều không còn, rễ cỏ, vỏ cây, cỏ ở hiên nhà cũng đã hết. Trong làng ngày nào cũng có người chết, tất cả đều là chết đói. Ban đầu, thân nhân của người chết còn khóc vài tiếng và khiêng xác ra đầu thôn chôn cất đàng hoàng, sau đó thì không còn sức để khóc nữa…”. Có lẽ vì thế mà ước mơ lớn nhất của ông cũng như người dân ở quê ông chỉ là: được ăn no. Ông cũng nói thật về mình: “Cái tật xấu nhất của thằng tôi là rất mau quên, giống như loài chó, chỉ nhớ đến chuyện ăn mà không nhớ chuyện bị đánh…”. Thế nhưng, ông lại đúc kết rất… cay đắng rằng: “Nếu ăn của người một củ cải mà nhận lấy điều sỉ nhục thì cho dù anh có dùng nhân sâm ngàn năm để rửa, e rằng cũng không rửa hết đâu”.