Nhà xuất bản: | Văn hóa Sài Gòn |
Ngày xuất bản: |
2008
|
Tác giả: | Chinua Achebe |
Số trang: | 251 trang |
Từ khóa: | Tiểu thuyết |
Ngôn ngữ: | Tiếng Việt |
Kho sách: | Nhà riêng |
Vị trí: | H5 |
Cho tới cuối Thế chiến vừa rồi, nhờ những hình trong các sách giáo khoa về địa lý, nhờ các phim chiếu trên màn ảnh và nhờ ít cuốn du ký hay thám ký, chúng ta có được một số ấn tượng rõ rệt về Châu Phi Da Đen, cảnh rừng già âm u, cảnh đồng cỏ mênh mông với sư tử, tê ngưu, cá sấu với những cây baobab khổng lồ cả chục người ôm, những thổ dân đen bóng như than mỏ Hồng Gai bị chứng bụng ỏng hoặc da voi, những cuộc săn đầu người rùng rợn, những cuộc vũ ngoáy mông trong tiếng trống thùng thùng trước một dãy chòi như hình nón úp, những ông thực dân da trắng đội nón "cát" đi "ghệt", nghễu nghệnh trên lưng lạc đà hoặc voi, phía sau là một đoàn dài nô lệ da đen khiêng các rương hành lý và các thùng quân nhu, đạn dược....
"Quê hương tan rã" được các nhà phê bình Phi, Âu, và Mỹ hoan nghênh nhiệt liệt, coi là tiểu thuyết phong phú nhất, chính xác nhất, bố cục khéo léo nhất, mà bình tĩnh nhất của một người Phi châu viết về Phi châu Da Đen từ sau thế chiến tới nay. Tác phẩm đã được dịch ra các tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, bán được nửa triệu bản và hiện nay được dùng trong nhiều trường dạy Anh ngữ ở Châu Phi, như một tác phẩm cổ điển vậy.
Người ta khen ông nhất là mới hai mươi tám tuổi mà đã có một bút pháp già dặn, có tinh thần khách quan, công bình, tưởng tượng dồi dào mà vẫn trọng sự thực, chỉ vẽ lại đúng xã hội Ibo ở hậu bán thế kỷ trước, khi người da trắng chưa tới rồi bắt đầu tới, không vì óc bài ngoại, tự ái mà đề cao đồng bào mình, mạt sát người da trắng, nhờ vậy tác phẩm có giá trị rất lớn về phương diện nghệ thuật và tài liệu. Ông không giảng giải, thuyết phục cũng không mạt sát nữa mà chúng ta vẫn thấm thía cái bi kịch của một dân tộc chất phát bị một tụi thực dân quỷ quyệt lừa gạt, chà đạp, bóc lột, làm cho nòi giống chia rẽ, quê hương tan nát, bi kịch đó là bi kịch chung của người da đen, da vàng thế kỷ trước, và tuy nói là đã chấm dứt sau thế chiến vừa rồi mà sự thực hiện vẫn còn kéo dài dưới một hình thức mới mẻ hơn, và cũng thâm hiểm hơn. Cho nên đọc tác phẩm, người Việt chúng ta không thể nào không liên tưởng tới thời bọn truyền giáo, thương nhân và quân đội Pháp xâm lược nước ta dưới triều Nguyễn.
"Quê hương tan rã" là câu chuyện về sự sụp đổ đầy bi kịch của nhân vật chính Okonkwo và của cả nền văn hoá Ibo trong bối cảnh cuối thế kỷ 19 khi chủ nghĩa thực dân đã chạm tới mảnh đất quê hương anh. Achebe đã dẫn chúng ta qua sự phức tạp của nền văn hoá Ibo, qua ý thức sâu sắc về công lý của bộ tộc đó, qua những luật lệ đôi khi quá khát máu và cả tinh thần trọng nam vừa cao quý vừa tai hại. Đến cuối truyện, khi nhà cầm quyền thực dân Anh đến và coi dân bản xứ như những kẻ mọi rợ, và Okonkwo treo cổ tự sát, chúng ta buộc phải thấy rằng thế giới này đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp đến mức nào.
Cuốn sách gây choáng váng này thường được so sánh với những vở bi kịch Hi Lạp vĩ đại. Nó tự đặt mình trong cuộc đấu tranh kinh điển giữa sự chủ nghĩa truyền thống và làn sóng đổi thay, giữa lòng tự tôn, tình yêu không bờ bến với nền văn hoá quê hương và một sức mạnh mới tới có thể lật nhào tất cả.